Biểu hiện lâm sàng bệnh loạn năng thái dương hàm ở sọ - cổ - mặt

Bên cạnh những rối nguyên nhân do bộ máy nhai thường gặp thì còn có những rối loạn ở sọ - cổ - mặt, giúp ta nghĩ đến Loạn năng thái dương hàm . Chẩn đoán xác định dựa vào sự biến mất triệu chứng sau khi điều trị nguyên nhân ở khớp cắn.
1. Biểu hiện lâm sàng ở sọ:
Thường dưới dạng đau đầu và đau tai.
Đau đầu:
Dựa vào sự miêu tả của bệnh nhân thì đó có thể là đau đầu đơn thuần, Migran, đau dây thần kinh mặt. Đau thường xuất phát từ cơ thái dương. Vì vậy những đau cơ thái dương một hoặc hai bên đều phải nghĩ đến LNBMN nhất là khi nó xảy ra liên tục (1 lần/tuần) kết hợp với những rối loạn chức năng (nghiến răng).
Đau tai:
Thường gây đau tai một bên, đôi khi đi kèm với những rối loạn khác. Đau tai, ù tai, cảm giác tai bị bịt kín nhưng khi khám tai thì không thấy các tổn thương thực thể.
Đau tai gặp trong 15% trường hợp bị LNBMN có thể do bó sâu của cơ cắn, cơ ức đòn chũm, cơ chân bướm ngoài, cơ chân bướm trong, bó sau của cơ thái dương.
Khi bệnh nhân có cảm giác bị ù tai và bị bịt tai (đôi khi thay bằng tăng thính lực) thì ta phải chú ý, vì đôi khi cũng có thể có tổn thương tai giữa do cơ chân bướm ngoài và cơ căng màng nhĩ đều được vận động bởi dây thần kinh tam thoa, nên khi co thắt cơ chân bướm ngoài có thể dẫn đến co thắt cơ căng màng nhĩ.
2. Biểu hiện lâm sàng ở mặt:
Với những dạng đau khác nhau:
Ở ổ mắt:
Đau: thường đau dưới hay sau ổ mắt, làm chẩn đoán nhầm với viêm xoang hàm trên. Đau ở đây là do cơ chân bướm ngoài hay do đau răng cối nhỏ trên sau chấn thương khớp cắn. Đau có thể đi kèm với rối loạn vận nhãn.
Rối loạn vận nhãn:
- Mỏi mắt: xuất hiện thành từng cơn, không đáp ứng với chỉnh kính.
- Cảm giác có ám điểm ngoại vi.
- Không nhìn tập trung vào một vật thể trong không gian được.
Đau kiểu mạch máu ở mặt:
Có thể gặp trong một vài trường hợp LNBMN. Làm chẩn đoán nhầm với đau kiểu mạch máu mặt.
Đau dây thần kinh mặt:
Bệnh nhân LNBMN đôi khi có thể bị những cơn đau kiểu thần kinh mặt, xuất phát từ đau cơ nhai.
Đau do tâm lý:
Chứng tỏ bệnh nhân có cơ địa tâm thần yếu, nó thường kết hợp trong LNBMN .
Những biểu hiện khác:
Viêm tuyến giả: Sưng ở gần tuyến nước bọt (phì đại cơ cắn, cơ nhị thân, cơ hàm móng, cơ chân bướm trong) làm cho bệnh cảnh giống với viêm tuyến dưới hàm.
Ở lưỡi: Rát lưỡi rất hay gặp trong LNBMN, co co thắt của các cơ lưỡi. Rát lưỡi nặng thêm do dùng không đúng và kéo dài thuốc ngủ và thuốc tâm thần. Rối loạn vị giác do chèn ép dây thừng nhĩ và đĩa khớp.
Ở họng: Loạn cảm họng do rối loạn nuốt
3. Biểu hiện lâm sàng ở cổ:
Đau và rối loạn tư thế là biểu hiện chính.
*) Đau:
Tất cả các cơ ở cổ đều có thể bị đau, nhưng hay bị nhất là cơ thang và cơ ức đòn chũm do chúng có kích thước lớn nhất và dễ được sờ thấy nhất.
Đau ở cơ nguyên nhân:
- Cơ thang: thường bị tổn thương nhất, gây đau ở phía sau - ngoài, và gây nên cơn đau cổ vai.
- Cơ ức đòn chũm: ít gặp hơn, gây nên cơn đau ở trước bên cổ. Nếu cơ này bị đau kéo dài thì có thể dẫn đến đau tai và chóng mặt.
Đau ở xa cơ nguyên nhân:
Cơ thang:
- Phần trên cơ thang: Gây đau ở sau ngoài cổ cho đến xương chũm, thái dương, sau ổ mắt và góc hàm.
- Phần dưới cơ thang: Gây đau vùng cổ cao, vai và lưng.
Cơ ức đòn chũm:
- Phần ức chũm: Gây đau ở chẩm, trán, và vùng trước tai.
- Phần đòn chũm: Gây đau ở vùng chũm, tai (ù tai, chóng mặt) và trán.
*) Rối loạn tư thế:
Hiếm khi bệnh nhân đến khám chỉ vì rối loạn tư thế, nhưng nó cần phải được phát hiện khi khám lâm sàng .
Kết luận: Loạn năng thái dương hàm có triệu chứng lâm sàng đa dạng, nếu như người bác sĩ phát hiện ra những triệu chứng này thì có thể hướng đến chẩn đoán, tuy nhiên việc chẩn đoán cho đến nay vẫn phải chủ yếu dựa trên chẩn đoán loại trừ, để tránh bỏ sót những bệnh thực thể.