Khái niệm về loạn năng thái dương hàm (LNTDH):

Từ 1934, khi Costen tìm ra sự liên hệ giữa những loạn năng bộ máy nhai (đau khớp thái dương hàm, chóng mặt, nghe kém, ù tai) với những rối loạn khớp cắn (mất kích thước dọc do nhổ răng với lồi cầu trượt ra sau) thì LNTDH được biết dưới tên hội chứng Costen.
Đến 1961, Laskin miêu tả kỹ hơn các triệu chứng của LNTDH dưới cái tên "hội chứng loạn năng đau cân cơ" (myofascial pain dysfunction syndrome: MPDS) với đau ở trước tai, đau vùng cơ cắn, tiếng kêu khớp và há miệng hạn chế mà không có tổn thương trên phim.
Vào những năm 80 giả thuyết về rối loạn khớp cắn gây LNTDH rất phát triển, được nhiều nha sĩ chấp nhận. Thời kỳ này người ta lý giải mọi triệu chứng của LNTDH dựa vào khớp cắn, LNTDH được xem như là một biểu hiện của rối loạn khớp cắn và vì vậy việc điều trị cơ bản dựa vào chỉnh sửa khớp cắn. Yếu tố tâm lý chỉ là phụ, hậu quả của rối loạn khớp cắn .
Những năm gần đây với sự phát triển của nội soi khớp và IRM, người ta đã phát hiện ra vai trò quan trọng của tổ chức đĩa khớp trong bệnh sinh của LNTDH, vì vậy để phân biệt nó với những bệnh thực thể các tác giả Anh - Mỹ đã đề nghị dùng thuật ngữ "rối loạn nội khớp"(internal derangement) để mô tả nó.
Đồng thời thuật ngữ "hội chứng đau và loạn năng thái dương hàm" (temporomandibular pain and dysfunction syndrome :TMPDS; hay syndrome algo-dysfonctionnel de l'appareil manducateur: SADAM) được Gaspard đề nghị từ 1983, cũng đã được hiệp hội nghiên cứu đau thế giới (1986) khuyên dùng.
Ngày nay, hầu như mọi tác giả đều chấp nhận thuật ngữ LNTDH (Temporomandibular disorders: TMD) , và xem nó là một bệnh lý phức tạp, kết hợp của nhiều hội chứng: hội chứng loạn năng đau cân cơ (myofascial pain dysfunction syndrome), loạn năng khớp thái dương hàm (internal derangement), loạn năng khớp cắn (occclusal dysfunction) và một số loạn năng khác. Đồng thời chấp nhận bệnh lý này do nhiều nguyên nhân: rối loạn khớp cắn, vận động cơ không đồng bộ, yếu tố tâm lý... điều trị vì vậy phải kết hợp nhiều mặt.