Giá khớp và sử dụng giá khớp

Giá khớp là một thiết bị mà nhờ đó, chúng ta có thể sử dụng mẫu hàm bệnh nhân để thực hiện hóa việc chẩn đoán và điều trị một số vấn đề nha khoa. Thiết bị này ra đời xuất phát từ sự cần thiết của việc mô phỏng vận động hàm ngoài miệng. Vận động mô phỏng càng giống vận động thực tế càng giúp việc chẩn đoán và điều trị càng chính xác. Để thực hiện được điều này, giá khớp phải tái lập được tương quan hai hàm, tương quan sọ hàm và vận động khớp thái dương hàm. Tương quan hai hàm dựa vào các tham chiếu khớp cắn, bao gồm tương quan trung tâm, kích thước dọc và lồng múi tối đa; còn tương quan sọ hàm chính là tương quan giữa cung răng hàm trên với sọ theo ba chiều không gian. Giá khớp được định nghĩa là thiết bị cơ học (mechanical device) bao gồm các thành phần đại diện cho khớp thái dương hàm và hai hàm, trong đó mẫu hàm trên và mẫu hàm dưới được gắn vào để mô phỏng các vận động hàm (Thuật ngữ phục hình- 2017) ( Hình 12.1 ). Để tái lập tương quan sọ hàm và tương quan hai hàm, các tương quan này phải được ghi và chuyển vào giá khớp. Tương quan sọ hàm được ghi bằng thiết bị gọi là cung mặt (Hình12.2), ghi dấu cung răng hàm trên hoặc cung hàm trên (trường hợp mất răng) và tương quan vị trí theo ba chiều không gian với cấu trúc sọ bên trên. Tham chiếu tương quan trung tâm và kích thước dọc sẽ được ghi và chuyển vào giá khớp bằng các kỹ thuật xác định tương quan trung tâm và kích thước dọc (xem Chương 4: Tham chiếu phục hồi khớp cắn). Lồng múi tối đa là tương quan răng khi còn đủ số lượng răng nhất định có thể xác định dựa vào tương quan hai mẫu hàm, không cần phải ghi dấu và chuyển.

2.PHÂN LOẠI GIÁ KHỚP

Có nhiều cách phân loại giá khớp như phân loại theo lý thuyết cắn khớp, chức năng giá khớp và cấu tạo giá khớp. Trong phần phân loại này, chúng tôi chỉ trình bày hai phân loại là phân loại cấu tạo giá khớp, là phân loại phổ biến nhất hiện nay và phân loại do chúng tôi đề xuất.

2.1. Phân loại giá khớp theo cấu tạo

Đây là phân loại giá khớp phổ biến hiện nay, với các giá khớp chia thành bốn loại:

  • Loại I: Giá khớp đơn giản, chỉ có vận động xoay
  • Loại II: Giá khớp trung bình, với đặc điểm vân động trượt cố định
  • Loại III: Giá khớp bán thích ứng, điều chỉnh được vận động trượt ra trước và một phần vận động trượt sang bên
  • Loại IV: Giá khớp thích ứng, điều chỉnh được vận động trượt ra trước và vận đông trượt sang bên

2.1.1. Giá khớp loại I

Giá khớp loại I là giá khớp đơn giản, hay giá khớp bản lề vì giá khớp này chỉ có vận động xoay ( Hình12.14 ). Giá khớp loại này có khoảng cách từ tâm quay lồi cầu đến vị trí xa nhất phía trước thay đổi khác nhau, từ loại nhỏ hơn nhiều so với khoảng cách từ lồi cầu đến răng cửa ( Hình 12.14A ) cho đến loại có kích thước tương đồng ( Hình 12.14B ). Giá khớp đơn giản không tái lập được tương quan sọ hàm. Với giá khớp đơn giản loại nhỏ, bán kính quay của giá khớp hoàn tác khác với bán kính quay của hàm trên nên không thể mô phỏng chính xác vận động hàm. Do đó, giá khớp này chỉ sử dụng có những trường hợp phục hình đơn giản, chủ yếu dựa vào tham chiếu là lồng múi tối đa. Giá khớp này không sử dụng nhằm mục đích tái lập khớp cắn trong điều trị cắn khớp. Giá khớp đơn giản loại lớn có thể sử dụng cung mặt để chuyển tương quan sọ hàm.

 

Hình 12.14 . A, Giá khớp bản lề loại nhỏ, sử dụng trong những trường hợp đơn giản. B, Giá khớp bản lề loại lớn, táu lập vận động xoay chính xác hơn và có thể kết hợp sử dụng cung mặt để chuyển tương quan sọ hàm.

2.1.2. Giá khớp loại II

Giá khớp loại II là giá khớp mặc định, có khả năng trượt và xoay những góc trượt mặc định, không điều chỉnh được ( Hình 12.15 ). So với giá khớp đơn giản, giá khớp mặc định có khoảng cách từ lồi cầu đến vị trí xa nhất phía trước tương đồng với kích thước thực từ lồi cầu đến răng cửa. Do kích thước tương đồng với khoảng cách lồi cầu và răng cửa nên bán kính quay giá khớp tương đối gần với vận động hàm. Tuy nhiên, giá khớp này không tái lập tương quan sọ hàm nên không mô phỏng được vân động hàm, dù có cả vận động trượt và xoay. Giá khớp loại II có thể rất giống loại I, với bổ sung góc trượt ( Hình 12.15A ) hoặc có kích thước như giá khớp bán thích ứng và cả mâm hướng dẫn răng cửa ( Hình 12.15B). Tuy nhiên, do góc trượt lồi cầu cố định nên giá khớp này ít có ý nghĩa trong thiết lập tương quan hướng dẫn trước.

Hình 12.15  A, Giá khớp mặc định góc trượt, với lò xo thép cố định vị trí lồi cầu, sử dụng trong những trường hợp đơn giản. B, Giá khớp mặc định góc trượt loại lớn, có mâm hướng dẫn răng cửa và đế gắn mẫu hàm.

2.1.3. Giá khớp loại III

Giá khớp loại III là giá khớp bán thích ứng, có tính năng trượt và xoay, trong đó góc trượt lồi cầu điều chỉnh được ( Hình 12.16 ). Tuy nhiên, góc Bennet được chỉnh giới hạn và tính toán theo góc trượt lồi cầu theo công thức do Hanau đề xuất L = H/8 + 12, trong đó H là góc trượt lồi cầu và L là góc Bennett. Góc này đã được sử dụng một thời gian khá dài, cho đến khi giá khớp thích ứng toàn phần ra đời ghi được góc Bennett trên bệnh nhân. Thực tế góc Bennett bình thường nhỏ hơn 10, khác biệt rất lớn so với góc Bennett do Hanau đề xuất tính theo công thức, tối thiểu là 16. Trên giá khớp bán thích ứng còn có mâm răng cửa, tái lập hướng dẫn trước hoặc hướng dẫn sang bên.

Hình 12.16 .A, Giá khớp Hanau H2, loại giá khớp bán thích ứng. B, Cung mặt sử dụng kết hợp với giá khớp Hannau H2 để chuyển tương quan sọ hàm lên giá khớp.

Giá khớp bán thích ứng luôn sử dụng kết hợp cung mặt nên tái lập được tương quan sọ hàm trên giá khớp. Do đó, vận động mô phỏng trên giá khớp tương đối giống vận động trên thực tế của bệnh nhân. Cung mặt sử dụng trong ghi tương quan sọ hàm có hai loại là cung mặt định vị ống tai hoặc định vị tâm quay lồi cầu ( Hình 12.2 ).

Giá khớp bán thích ứng có nhiều chủng loại phong phú và được sử dụng rất phổ biến trên lâm sàng. Ngoài giá khớp Hanau H2, còn có nhiều dòng giá khớp khác trên thị trường như giá khớp Denar, giá khớp Whipmix, giá khớp Spacy, giá khớp Quick Master…

2.1.4. Giá khớp loại IV

Hình 12.17 A, Giá khớp thích ứng SAM 3, mô phỏng được vận động trượt, xoay và vận động sang bên hàm dưới, sử dụng trong những trường hợp đơn giản. B, Cung mặt tương ứng giá khớp SAM, là loại cung mặt thông thường.

 

Giá khớp loại IV là giá khớp thích ứng, tái lập được tương quan sọ hàm, tương quan hai hàm và mô phỏng tất cả các vận động khớp thái dương hàm ( Hình 12.17). Thông số góc trượt lồi cầu và góc Bennett được ghi dấu khớp cắn hoặc từ thông tin lồi cầu đồ xem chương 10: Khảo nghiệm chức năng trong chẩn đoán rối loạn hệ thống nhai). Tương quan sọ hàm được ghi qua cung mặt thông thường hay cung mặt động học. Cung mặt động học lấy tương quan sọ hàm chính xác hơn, do dựa vào kỹ thuật lấy tâm quay chính xác hơn. Giá khớp thích ứng cũng có mâm răng cửa như giá khớp bán thích ứng. Trong điều trị cắn khớp, giá khớp được sử dụng chủ yếu là giá khớp thích ứng, nhằm tái lập và mô phỏng toàn bộ vận động khớp thái dương hàm và vận động hàm.