Những nguyên nhân đặc thù của sai khớp cắn

Sai khớp cắn rất ảnh hưởng tới khuôn mặt, độ thẩm mỹ. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng bị sai khớp cắn như là do chấn thương, do bẩm sinh, thậm chí bị ảnh hưởng ngay từ trong bào thai mẹ… Hãy cùng đi tìm hiểu sâu hơn về điều này.
Rối loạn trong sự phát triển của phôi thai
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra những khiếm khuyết của phôi thai, từ những rối loạn về gen đến những ảnh hưởng của môi trường. chất hóa học và những chất gây ra sự khiếm khuyết của phôi thai nếu chúng được sử dụng vào những thời điểm quan trọng, những chất này gọi là chất gây bất thường bẩm sinh hoặc bất thường trong sự phát triển bào thai.
Những chất này, ở liều thấp sẽ gây ra những khiếm khuyết đặc biệt, còn ở liều cao sẽ gây tử vong. Một số chất gây bất thường gây ra những lệch lạc về răng mặt.
Ví dụ: Aspirin, khói thuốc lá, Dilantin, Valium…gây ra khe hở môi và khẩu cái.
Rối loạn trong sự tăng trưởng của xương
Sự “đè ép “xảy ra trong bào thai
· Một “áp lực” nào đó đè lên khuôn mặt đang phát triển của bào thai sẽ làm “méo mó” những vùng đang tăng trưởng nhanh.
· Trong những trường hợp hiếm, 1 cánh tay của bào thai nằm vắt ngang lên mặt sẽ làm cho hàm trên kém phát triển.
· Thỉnh thoảng, đầu của phôi thai cong gập sát chặt vào ngực sẽ làm cho hàm dưới không phát triển ra trước bình thường và trẻ sơ sinh sẽ có 1 hàm dưới rất nhỏ (trong hội chứng Perre Robin) (hình 3.2). Thể tích khoang miệng giảm làm cho trẻ sơ sinh thở khó khăn, và có khi phải khâu giữ lưỡi ở tư thế phía trước tạm thời hoặc phải mở khí quản để giúp trẻ thở.
Hình 3.2. A và B hàm dười kém phát triển trầm trọng ở bé trai 9 tuổi, chẩn đoán lúc mới sinh là có hội chứng Piere Robin với 1 hàm dưới rất nhỏ, và khe hở khẩu cái. Mặc dù xương hàm dưới tăng trưởng đáng kể sau khi sinh, một hàm dưới kém phát triển vẫn tồn tại.
Chấn thương ở hàm dưới khi sinh
Trong trường hợp mẹ sinh khó, sử dụng kiềm forcep ở đầu trẻ sơ sinh có thể làm tổn thương 1 hoặc cả 2 bên khớp thái dương hàm. Tuy nhiên chấn thương ở hàm dưới xảy ra khi sinh có vẻ là nguyên nhân hiếm của lệch lạc mặt. Nếu trẻ sơ sinh có hàm dưới lệch lạc thì thường là do bẩm sinh.
Gãy xương hàm dưới khi trẻ còn nhỏ
Trẻ nhỏ bị ngã và va chạm có thể làm gãy xương hàm. Ở hàm dưới, thường xảy ra gãy cổ lồi cầu hàm dưới. Tuy nhiên, vùng lồi cầu hàm dưới ở trẻ nhỏ nhanh được phục hồi và không có sai khớp cắn sau này. Nếu có biến chứng của gãy lồi cầu thì thường là sự phát triển không cân xứng của hàm dưới, với bên bị tổn thương phát triển chậm lại so với bên bình thường (Hình 3.3).
Hình 3.3. Hàm dưới không cân xứng ở bé trai 8 tuổi, do sự kém tăng trưởng một bên vì ảnh hưởng của gãy cổ lồi cầu bên phải, lúc khoảng 2 tuổi. Đối với bệnh nhân này, sự tăng trưởng diễn ra bình thường cho đến khi sự tăng trưởng của xương hàm dưới bắt đầu bị hạn chế lúc 6 tuổi; sau đó mặt nhanh chóng phát triển không cân xứng.
Loạn chức năng cơ
Hệ cơ mặt có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của xương hàm theo 2 cách:
· Thứ nhất, sự thành lập xương ở điểm bám cơ tuỳ thuộc vào hoạt động của cơ;
· Thứ 2: hệ cơ là một thành phần quan trọng của toàn bộ khuôn mô mềm mà sự tăng trưởng của nó thường mang theo xương hàm dưới xuống phía dưới và ra trước.
Mất một phần của hệ cơ có thể xảy ra do những nguyên nhân không rõ trong bào thai hoặc là hậu quả của tai biến khi sanh nhưng thường gặp nhất là do tổn thương dây thần kinh vận động ( cơ teo lại khi mất chi phối của hệ thần kinh vận động). Hậu quả là một phần của mặt sẽ kém phát triển. (Hình 3.4)
Hình 3.4 A và B khuôn mặt không cân xứng của bé trai 11 tuổi, bị thiếu phần lớn hệ cơ cắn bện trái. Cơ là thành phần quan trọng của bộ khuôn mô mềm, khi thiếu cơ, xương hàm dưới cũng bị kém tăng trưởng ở bên bị ảnh hưởng.
Bệnh to cực và phì đại nửa hàm dưới
Bệnh to cực do bướu phần trước tuyến yên gây tiết nhiều nội tiết tố tăng trưởng. Trong bệnh to cực, xương hàm dưới có thể tăng trưởng quá mức, đưa đến hạng III xương hàm. Mặc dù sự tăng trưởng quá mức này chấm dứt khi bướu được lấy đi hoặc xạ trị, nhưng sự lệch lạc xương hàm vẫn tồn tại và thường chỉ định phẫu thuật để điều chỉnh lại xương hàm dưới.
Thỉnh thoảng, sự tăng trưởng quá mức ở một bên xương hàm dưới xảy ra mà nguyên nhân không rõ. Thường xảy ra ở nữ tuổi từ 15-20, nhưng có thể xảy ra sớm lúc 10 tuổi hoặc muộn hơn lúc 30 tuổi ở nam hoặc nữ. Sự tăng trưởng quá mức này có thể tự chấm dứt, nhưng trong những trường hợp nặng, phải lấy đi lồi cầu bị tổn thương và tái tạo lại vùng này (Hình 3.5)
Hình 3.5 Khuôn mặt nhìn nghiêng và phim sọ nghiêng cuả bệnh nhân nam 45 tuổi, có phần chẩn đoán bệnh to cực 3 năm trước sau khi ông đến nha sĩ vì xương hàm dưới đưa ra trước. Sau khi vùng trước tuyến yên được xạ trị, mức độ tăng cao nội tiết tố tăng trưởng giảm xuống và xương hàm dưới ngừng tăng trưởng.
Rối loạn trọng sự phát triển của răng
Rối loạn trọng sự phát triển của răng có thể đi kèm với những khiếm khuyết bẩm sinh nhưng thường chúng kết hợp với sai khớp cắn hạng I Angle riêng lẻ.
Trong trường hợp này do nhiều nguyên nhân như: do bẩm sinh, do răng dị dạng, do chấn thương, răng mọc sai, mất răng…
Theo sách “chỉnh hình răng mặt” của Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh