TỔNG QUÁT CÁCH ĐÀO XOANG

A. YÊU CẦU XOANG LÝ TƯỞNG
Xoang lý tưởng là một xoang được đào đúng quy cách, có hình dạng thế nào để sau khi trám, bệnh nhân ăn nhai, miếng trám có thể chịu đựng được các lực nhai nghiền, không bị xê dịch hay tuột (sút) ra ngoài; tồn tại được lâu dài. Muốn vậy xoang phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
1. Đáy xoang
Phải phẳng và thẳng góc với lực nhai. Một miếng trám chỉ được giữ vững chắc trong xoang khi nó không bị sức nhai làm xê dịch. Qua trung gian miếng trám phần đáy X là phần chịu đựng sức nhai và chống lại sự xê dịch của miếng trám, do đó để miếng trám được vững chắc không rơi ra ngoài thì đáy X phải phẳng, thẳng góc với sức nhai, như vậy sức nhai chỉ tạo thành một lực duy nhất thẳng góc với đáy miếng trám (tức đáy xoang) và ép chặt miếng trám vào đáy X.
Đáy xoang phẳng và thẳng góc với lực nhai
–
Sức nhai F đặt lên trọng tâm của miếng trám được chuyển xuống đáy xoang ở điểm F’ và theo nguyên tắc phân lực sẽ phân ra làm hai lực F1 và F2
F1 thẳng góc đáy xoang làm cho miếng trám sát vào đáy X
F2 kéo miếng trám về phía gần của răng (hoặc phía xa nếu đáy xoang nghiêng theo chiều ngược lại) và như thế dần dần sẽ tạo kẽ hở ABCD; răng sẽ bị sâu trở lại nếu vách CD còn dày, nếu vách CD mỏng thì răng sẽ bị vỡ hoặc bị nứt.
–
Đây thường là đáy tự nhiên của một lỗ sâu: sau khi mở rộng miệng lỗ sâu, nạo sạch đáy thì đáy thường có hình này. Trong trường hợp này, nếu không được tạo lại đáy thì:
· Khi nhai thức ăn mềm và khớp răng đều: sức nhai đặt lên trọng tâm của miếng trám khi xuống đáy xoang sẽ không bị phân tích ra vì mặt tiếp xúc ở đáy xoang thẳng góc với sức nhai, nên sẽ ép miếng trám chặt vào đáy.
· Khi răng cắn những vật cứng nhỏ hoặc khớp răng không đều, sức nhai đè lên mặt miếng trám không đều khi xuống đáy xoang sẽ phân lực ( giống như khi đánh X nghiêng ) sẽ dần dần làm cho miếng trám không còn dính chặt và bị xê dịch trong xoang.
– Kết luận:
· Muốn miếng trám được vững chắc thì đáy xoang lý tưởng phải phẳng và thẳng góc với lực nhai
· Trường hợp xoang quá sâu, nếu làm một đáy phẳng lớn sẽ làm hại đến tủy răng, ta có thể làm một đáy với nhiều bậc phẳng (hình bậc thang); như vậy lực nhai cũng vẫn thẳng góc với đáy xoang và không bị phân tích
2. Phải có phần lưu
Phần lưu là phần xoang trám giúp cho miếng trám kết hợp chặt chẽ vào xoang để miếng trám khỏi bị xê dịch và tụt ra dưới sức nhai.
Một xoang trám có phần lưu sẽ giữ vững được miếng trám theo 3 chiều thẳng góc nhau:
– Chiều thẳng đứng (hay chiều trục)
– Chiều gần xa
– Chiều ngoài trong
a). Phần lưu của xoang đơn
Ví dụ : một xoang đơn trên mặt nhai của một găng hàm gồm có đáy X, thành gần, xa, ngoài , trong. Miếng trám sẽ được giữ vững chắc:
– Theo chiều gần xa nhờ thành gần , xa
– Theo chiều ngoài trong nhờ thành ngoài, trong
Nhưng ở chiều thẳng đứng vì mặt nhai trống nên miếng trám chỉ có thể được giữ lại nếu :
– Chiều sâu lớn hơn chiều rộng ( lỗ sâu nhỏ).
– Trường hợp chiều sâu nhỏ hơn chiều rộng (lỗ sâu lớn, phải tạo phần lưu sao cho đáy xoang lớn hơn miệng xoang (tạo thành ngoài, trong đường quy về phía mặt nhai).

b). Phần lưu của xoang kép
Ví dụ: một xoang kép loại II ở mặt gần răng hàm. Trong trường hợp này miếng trám sẽ không bị tụt ra về phía mặt trong ngoài( nhờ có các thành ngoài và trong) nhưng rất dễ bị tụt ra về phía mặt gần (chiều xa gần) và về phía mặt nhai (phía thẳng đứng). Như vậy ta phải tạo phần lưu của xoang bằng cách tương tự như phần lưu ở xoang đơn nghĩa là phải tạo vách tủy lớn hơn miệng xoang ở mặt nhai và vách trục lớn hơn miệng X ở mặt gần.
Tạo xoang kép có đáy lớn hơn miệng( ở cả hai mặt: mặt nhai và mặt bên)
Trong trường hợp lỗ sâu đã khá lớn, nếu phải làm đáy lớn ra để tạo phần lưu như trên có thể làm hại cho tủy thì ta nối xoang chính với xoang phụ nhỏ hơn ở mặt nhai hình đuôi én gọi là ngàm đuôi én (phần nối nhau -chỗ thắt trên mặt nhai-gọi là eo); chính nhờ eo này miệng trám sẽ không bị tụt ra về phía gần (nếu X ở phía gần )hoặc phía xa (nếu xoang ở phía xa).
3. Bờ vách xoang phải thẳng, vững chắc, được chống đỡ bằng lớp men ngà lành và nếu cần thiết phải mở rộng phòng ngừa.
Để miếng trám có thể tồn tại lâu dài trong xoang, bờ mép xoang phải được mở tới khoảng men, ngà lành mạnh, các vách xoang phải thẳng, giữa các vách cũng như bờ mép X không được đào có những điểm hoặc góc nhọn thì sẽ dễ gãy dưới sức nhai và khó nhồi các vật liệu và trám, nếu như đặt các bờ mép xoang vào những vùng dễ bị sâu răng như các hố, rãnh vào mặt nhai hoặc những vùng tiếp giáp mặt bên (mặt gần xa) của các răng, răng rất dễ bị sâu lại, do đó cần phải mở rộng phòng ngừa trong trường hợp xoang gần các hố và rãnh hoặc giữa phần tiếp cận của các răng
B. CÁC GIAI ĐOẠN ĐÀO XOANG
Tổng quát gồm 4 giai đoạn:
1. Mở lối vào xoang
Là giai đoạn mở đầu với mục đích có thể nhìn rõ vùng lỗ sâu, nhận định rõ độ sâu nên có thể:
– Dùng cây nạo (vừa với lỗ sâu) để nạo lấy hết thức ăn nhồi nhét và mô răng sâu trong lỗ sâu.
Dùng khoan tròn hoặc trụ để mở rộng, lấy hết đi các bờ men không được chống đỡ bằng ngà lành( nếu như miệng lỗ sâu quá nhỏ, không thể cho cây nạo vào). Như vậy miệng lỗ sâu đã được mở rộng, bây giờ ta có thể dùng cây nạo để lấy hết chất bẩn trong xoang.
Chú ý:
Trong trường hợp những lỗ sâu ở mặt bên bị lợi tràn vào che lấp lỗ sâu, phải tiêm tê hoặc bôi tê để cắt bỏ nhanh phần lợi phủ đó (bằng dao cắt lợi hoặc cây nạo bén), sát khuẩn, cầm máu và trám tạm. Việc đào xoang sẽ được thực hiện trong lần hẹn tiếp theo.
2. Tạo xoang
– Tùy vị trí sâu hoặc bệnh lý xảy ra ở mặt răng nào mà tạo hình dạng xoang thích hợp của từng loại xoang.
– Để sau khi trám, răng không bị sâu lại và miếng trám có sức chịu đựng bền bỉ, không bị rơi ra ngoài, trong khi tạo hình dạng xoang cần lưu ý đến các nguyên tắc sau:
+ Phải mở rộng bờ mép X đến khoảng men lành, không được đặt bờ mép xoang ở những vùng dễ bị sâu răng, nếu cần thiết phải mở rộng phòng ngừa.
+ Các vách xoang phải phẳng và được chống đỡ bằng ngà răng lành mạnh
+ Phải tiết kiệm mô răng, không nên đào xoang rộng quá mức cần thiết vì nếu bờ vách xoang mỏng, xoang sẽ bị yếu; hạn chế đến mức ít nhất việc mở X vào các múi răng và các gờ bên.
+ Nối hai xoang lại với nhau nếu phần men còn lại giữa hai xoang quá ít (nhỏ hơn 1,5mm) để tránh bờ men yếu sẽ dễ bị vỡ sau này.
+ Ở mặt nhai, miếng trám phải có bờ mặt dày thích hợp để có độ cứng cần thiết. Do vậy độ sâu của xoang ở mặt nhai ít nhất phải vào đến đường ranh giới men ngà.
+ Xoang răng không được có những điểm hoặc góc nhọn, đường quanh bờ mép X phải tròn, điểm góc phải rõ.
+ Xoang phải có phần lưu
+ Phải tránh việc kích thích hoặc làm tổn thương tủy răng, ví dụ khoan quá lâu (khôngcó nước làm nguội) hoặc đào xoang sâu quá mức cần thiết
3. Lấy hết các chất sâu
– Trong khi tạo xoang, hầu hết các ngà sâu đã được lấy đi, nếu kiểm tra lại thấy còn chút ít mô sâu thì phải dùng nạo bén hoặc mũi khoan tròn để lấy đi cho hết (nếu dùng khoan phải cho chạy chậm ).
– Sau đó dùng nạo ngà để kiểm tra độ cứng mềm của lớp ngà còn lại, nếu còn ngà mềm phải có gắng lấy sạch, nhưng nếu thấy lớp ngà đã bị nâu sẫm hoặc đổi màu nhưng hoàn toàn cứng thì đó là ngà lành (lớp ngà thứ phát) có thể để lại-nếu không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, ví dụ ở những răng sau.
Chú ý:
Không nên cố gắng lấy cho hết lớp ngà mềm ở đáy lỗ sâu (cũng như cố gắng làm đáy phẳng) ở những xoang quá sâu (gần sát tủy) thì có thể sẽ làm lộ tủy (hở tủy). Việc điều trị các xoang bị lộ tủy thường rất khó, nhiều khi không đạt kết quả mỹ mãn. Trong những trường hợp này, có thể tránh làm việc lộ tủy bằng cách có thể để lại chút ít phần ngà mềm-mà nếu lấy hết đi sẽ có nguy cơ bị lộ tủy – che tủy bằng một lớp Ca(OH)2 hoặc bằng Eugenate nhão sát dưới đáy xoang, trám tạm Eugenate đặc lên trên, sau 6 đến 8 tuần sẽ tránh được việc lộ tủy vì bấy giờ đã có lớp ngà thứ phát thành lập ngay bên dưới lớp ngà sâu (che tủy gián tiếp )
4. Hoàn tất
Giai đoạn hoàn tất xong bao gồm :
– Vát bờ men: dùng mũi khoan trụ để vát đi phần bờ men yếu hoặc nhọn góc-vì nó sẽ rạn nứt dưới sức ép khi nhai – để tăng sức chịu đựng của xoang răng.
– Dùng nước rửa sạch xoang (cho sạch hết các chất bẩn, hoặc bụi ngà trong xoang)
– Cô lập răng (bằng bông cuộn), khử khuẩn (thường dùng Oxy già 3%) và thổi khô xoang( để chuẩn bị cho chất trám vào).
C. NHỮNG LƯU Ý TRONG KỸ THUẬT ĐÀO XOANG
Để có thể tạo được một xoang răng lý tưởng và theo đó một miếng trám vững chắc, tồn tại được lâu dài, trong kỹ thuật đào xoang cần phải lưu ý những điểm sau:
– Đầu tiên phải xác định điểm khởi đầu để mở lối vào xoang ( nếu phải dùng khoan) rồi đào sâu xuống ở độ sâu thích hợp (gần đúng với độ sâu cần thiết của xoang) ; từ đó mở rộng và tạo xoang.
– Trong khi đào xoang nhất thiết phải lấy đi một phần tổ chức của răng nhưng phải cố gắng hạn chế ở mức ít nhất. Đặc biệt chú ý bảo tồn các phần răng chủ yếu có tác dụng giữ độ cứng chắc của thân răng như các gờ, múi răng, cầu men
– Không bao giờ được đặt mép X vào đáy của một hố hay rãnh vì khi trám khó tạo được một mép xoang lý tưởng, dễ bị sâu tái phát.
– Về hình dáng xoang răng không được có những điểm nhọn hoặc góc nhọn vì những điểm hay góc nhọn này sẽ làm cho men răng hay miếng trám dễ bị gãy và khi trám, không thể nhồi chất trám vào những điểm hay góc nhọn đó được.
– Phải lượn tròn góc trục tủy vì lực nhai thường tập trung vào đây và nếu đường góc này sắc nhọn thì khuynh hướng này càng tăng. Thêm vào đó, ở mặt nhai nơi phần eo của ngàm đuôi én có kích thước nhỏ nhất. Sự kết hợp của hai yếu tố này giải thích được vì sao trên lâm sàng những miếng trám loại II thường hay bị gãy nơi eo thắt này.
– Phải cố gằng giảm kích thước của xoang ở mặt nhai, do đó sẽ giảm được gánh nặng của lực nhai trên miếng trám.