Các thành phần của hàm khung

Hàm khung là loại hàm giả tháo lắp hay được sử dụng, tuy nhiên không phải Bác sĩ nào cũng chỉ định đúng, đặc biệt là khi các bác sĩ không có kiến thức về hàm khung và việc thiết kế phó mặc cho kỹ thuật viên của xưởng. Bài này sẽ cho chúng ta nắm được các thành phần chủ yếu của hàm khung từ đó đưa ra được thiết kế đúng, giúp hạn chế tổn thương cho răng trụ
CÁC THÀNH PHẦN CỦA HÀM KHUNG
TS Phạm Như Hải
Hàm khung có nhiều thành phần, mỗi thành phần có một chức chức năng khác nhau:
– Khung (Armature).
– Yên hàm (Selles).
– Thanh ngót răng (Barre cingulaire).
– Thanh thân răng (Barre coronaire).
– Tựa mặt nhai (Taquets occlusaux).
– Thanh nối (Connections).
– Phương tiện liên kết (Moyens de liaison).
1. Khung:
Là bộ phận chính của hàm khung, để các thành phần khác nối vào như: phần thay thế những răng mất, phần liên kết với những răng còn lại. Khung phải thỏa mãn 3 yêu cầu:
*) Cứng:
Đây là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo sự phân phối đồng đều lực nhai. Nếu khung không đủ cứng sẽ gây ra những lực xoắn vặn có hại cho răng trụ. Và cũng chính sự xoắn vặn lặp đi lặp lại này làm cho khung có thể bị gãy.
*) Không làm tổn thương tổ chức xương – màng xương:
Những vùng có hàm giả tựa lên như lợi bờ, những mấu xương nhô lên phải được chú ý đặc biệt.
Hàm giả phải tránh tựa lên lợi bờ, phác họa theo qui tắc để hở của Housset (Hình 5.1): Đường phác họa ban đầu vuông góc với bề mặt răng, ở trung điểm của đường nối giữa đỉnh sống hàm và điểm nằm về phía lưỡi hay khẩu cái nhất của múi trong. Đó là một đường cong đều, song song với lợi bờ, cách lợi bờ tối thiểu là 5 mm, nếu khoảng hở này hẹp hơn thì khi bị hàm giả đè nén, lợi sẽ bị đẩy phòi lên ở những chỗ hở, trở nên quá sản, dễ chảy máu.
Đường phác họa phải tránh lồi củ (Torus), đi băng qua đường giữa khẩu cái dù đường giữa có lồi lên hay không. Để tránh đè lên đường giữa thì phải luôn luôn tạo một khoảng hở từ 2 – 3 mm giữa khung và đường giữa tùy theo độ lún của niêm mạc.
*) Đảm bảo dễ chịu cho bệnh nhân:
Khung không được làm rối loạn chức năng phát âm, nên để hở vùng sau răng cửa hàm trên nếu được.
Hàm giả phải ôm khít với niêm mạc để thức ăn khỏi nhét vào bên dưới trong khi nhai. Mặt trong của khung phải có hình thể phù hợp theo bề mặt lồi lõm của niêm mạc khẩu cái hoặc được làm nhẵn để tránh đọng mảng bám và cao răng.
Khung nên được phác họa cân đối hai bên, có diện tích bề mặt tối thiểu để tránh cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
a, Đối với hàm trên: Có nhiều dạng khung cổ điển khác nhau.
Khung hình bản rộng :
Cách xa các răng, giới hạn phía trước bởi đường nối hai tựa mặt nhai, giới hạn sau gần hoặc cách xa ranh giới khẩu cái cứng và mềm, tùy theo yêu cầu thăng bằng của từng trường hợp. Phần giữa của khung được để hở nhưng không làm giảm diện tích phủ lồi cùng (Tuberosité). Nếu hàm giả tựa chủ yếu lên niêm mạc thì khung phải được làm rộng ra.
Khung hình bản bao phủ toàn bộ:
Phần trước của khung tựa lên cingulum của những răng còn lại. Để tạo khoảng hở với lợi bờ của những răng này thì mặt trong của khung phải được mài bớt, và đánh bóng kỹ để giảm nguy cơ viêm lợi bờ .
Cần phải hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh răng miệng cẩn thận.
Bờ sau của khung nằm trước ranh giới khẩu cái cứng – mềm khoảng 1-3 mm. Đôi khi bờ sau tiếp xúc với đường ranh giới này như trường hợp hàm toàn bộ, và trong trường hợp này thì ta nên đặt một dải lưới ở phía sau, trên có ép nhựa. Với cách làm này chúng ta có thể tạo ra được một đường ranh giới sau chính xác, mài chỉnh dễ dàng .
Khung loại này thường được dùng cho trường hợp mất răng loại I còn lại 6 răng cửa.
Khung hình bản chữ U :
Tùy theo số lượng và khả năng của những răng còn lại, ta có thể phác họa giới hạn trước của khung theo 2 cách như sau:
– Hoặc giới hạn trước bởi đường nối 2 mặt gần của 2 răng kề vùng mất răng (hay đường nối 2 tựa mặt nhai của răng kề vùng mất răng).
– Hoặc tựa lên cingulum của những răng trước.
Giới hạn sau được phác họa cân xứng 2 bên, bao phủ lấy lồi cùng rồi chạy song song với sống hàm ra phía trước gặp nhau để tạo thành một hình khuyết ở giữa to hay nhỏ tùy từng trường hợp.
Vì loại bản hình chữ U này không đảm bảo độ cứng nên chỉ được chỉ định trong trường hợp lồi củ (torus) quá lớn kéo dài đến tận ranh giới khẩu cái cứng và mềm.
Khung hình bản hẹp (la plaque étroite):
Nó đáp ứng được quan niệm để hở giống như loại bản rộng. Giới hạn phía trước và sau bởi đường nối hai mặt bên về phía mất răng của răng giới hạn vùng mất răng. Bản hẹp dày ở phần trung tâm để đảm bảo độ cứng trong khi diện tích của bản không rộng.
Loại bản này được chỉ định cho trường hợp mất răng có giới hạn, hàm giả chỉ cần tựa lên răng.
Thanh khẩu đơn (la simple entretoise) :
Khung được phác họa như một hàm khung thông thường. Thanh nối có tiết diện cắt ngang hình nửa tròn, nằm ở 1/3 giữa hay 1/3 sau của khẩu cái cứng.
Thanh nối đơn không thể thỏa mãn cùng một lúc cả 2 yêu cầu về độ cứng và sự dễ chịu của bệnh nhân. Dày thì cứng nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân. Nếu giảm kích thước của thanh nối thì dễ chịu cho bệnh nhân nhưng dễ gãy và có hại cho răng mang móc.
Vì vậy tốt nhất là không nên sử dụng loại thanh nối đơn này.1.1.6. Thanh khẩu kép (la double entretoise palatine):
Đường phác họa như sau:
– phần chu vi tuân theo những đặc điểm của khung bản rộng (để hở, mở rộng về phía trước và sau).
– Để trống phần giữa, tạo thành 2 thanh nối: thanh nối phía trước rộng 6 mm, thanh nối phía sau rộng 9 mm.
Tiết diện cắt của thanh nối có hình nửa elip, với độ dày 2 mm để đảm bảo độ cứng của khung
Loại khung này được chỉ định cho trường hợp hàm giả chỉ tựa lên răng.
Đối với mất răng loại III và IV, ta có thể sử dụng loại khung này hay khung bản hẹp tùy theo sự chọn lựa của bệnh nhân. Đối với loại khung này, do thanh nối trước dày nên có thể gây cảm giác khó chịu cho lưỡi hơn là một bản rộng nhưng mỏng.
b, Đối với hàm dưới: Khung có thể có 3 dạng khác nhau:
Thanh lưỡi (La barre lingual) :
Thanh lưỡi là phần khung chính cho hàm giả hàm dưới, đảm bảo sự liên kết giữa những phần yên hàm. Tiết diện cắt ngang của nó có hình nửa quả lê, diện phẳng hướng về phía răng. Chiều cao và độ dày của thanh lưỡi tùy thuộc vào đặc tính cơ học và độ cứng của kim loại đúc.
Thanh lưỡi không bao giờ được tiếp xúc với răng hay niêm mạc, khoảng
cách của nó với những tổ chức này tùy thuộc vào loại mất răng và hình thể của xương ổ răng . Thanh lưỡi không có chức năng nâng đỡ hay hay cân bằng.
Thanh lưỡi được chỉ định cho hầu hết các trường hợp mất răng nếu những điều kiện về giải phẫu cho phép.
Trong một vài trường hợp khi tiêu xương ổ răng nhiều thì ta bắt buộc phải đặt nó gần với lợi bờ, và ở vị trí này nó cũng không gây khó khăn cho vệ sinh răng miệng. Ngược lại nếu thắng lưỡi bám quá cao thì ta buộc phải phác họa một loại khung khác.
Bản lưỡi (Le bandeau lingual) :
Được dùng khi chống chỉ định thanh lưỡi.
Trên tiết diện cắt ngang, bản có độ dày đồng đều, trừ phần dưới thì hơi phình lên và tròn. Chiều cao của bản giới hạn bởi 2 đường:
– Một đường ở phía trên cingulum của những răng trước.
– Một đường nằm cách 1 mm phía trên ranh giới lợi di động- lợi dính.
Mặt trong của bản lưỡi tiếp xúc với bề mặt răng và lách vào trong kẽ giữa các răng, nhưng khi đến đỉnh của cingulum thì nó tách ra, bắc cầu qua 1/3 cổ răng và lợi bờ (hở 3 mm) để tránh làm tổn thương những tổ chức này. Bề mặt củabản lưỡi phải được làm nhẵn để tránh đọng mảng bám răng.
Bản lưỡi phải được phác họa kết hợp với những điểm tựa ở răng, để tránh bị trượt trên mặt phẳng nghiêng tạo bởi mặt trong răng, dẫn đến:
– Đè lên lợi phía tiền đình.
– Đè lên lợi bờ làm tổn thương.
Bản ngót răng (Hình 5.14):
Là một bản kim loại tựa lên mặt lưỡi của những răng cửa. Phía trên gần với bờ cắn, phía dưới cách ranh giới men – xi măng 0,5 mm.
Mặt trong tiếp xúc với men răng, lách vào kẽ giữa các răng nhưng vẫn để hở phần cổ răng. Chiều dày của thanh ngót răng vào khoảng 1,7 – 2 mm để đảm bảo độ cứng. Cả 2 mặt của nó phải được làm nhẵn để bệnh nhân dễ chịu và tránh đọng mảng bám răng.
Cũng như bản lưỡi, thanh ngót răng phải được phác họa kèm với những điểm tựa ở răng để tránh bị trượt về phía cổ răng.
Bản ngót răng được chỉ định khi hội đủ 3 điều kiện sau:
– Thân răng của những răng trước đủ cao.
– Tiêu xương ổ răng làm giảm khoảng cách giữa lợi bờ và rãnh lợi – lưỡi.
– Khi chống chỉ định thanh lưỡi và bản lưỡi.
2. Yên hàm:
Bao phủ phần sống hàm mất răng, giới hạn bởi ranh giới lợi di động phía tiền đình và lưỡi, yên hàm có nhiệm vụ truyền lực nhai đến xương hàm một cách chức năng .
Tùy trường hợp mà nó có thể làm:
– Hoàn toàn bằng kim loại .
– Một phần được làm bằng nhựa , tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc. Ở giữa phần nhựa là một tấm lưới hình mắt cáo rộng, loại này có ưu điểm là có thể mài chỉnh hay đệm hàm một cách dễ dàng .
Ở bờ tự do của yên hàm, phần thép được làm cong lên, tiếp nối với nhựa, để bảo vệ bờ tự do của nhựa, tránh nứt gãy, bong, hoặc bị thâm nhiễm.
Dù làm bằng chất liệu gì thì đều cần có phần nhựa để gắn răng giả với yên hàm.
3.Thanh ngót răng :
Là thanh kim loại tựa lên cingulum của những răng cửa. Tiết diện cắt ngang có hình nửa tròn đường kính 2 mm để đảm bảo độ cứng. Thanh ngót răng có nhiệm vụ chống lại sự di chuyển của hàm giả trên mặt phẳng đứng dọc.
Khi có kẽ hở giữa hai răng cửa, thì thanh ngót răng vòng thấp xuống để tránh bị nhìn thấy .
Thanh ngót răng chống chỉ định cho hàm trên trong trường hợp khớp cắn sâu.
4. Thanh thân răng:
Giống thanh ngót răng nhưng nằm ở 1/3 trên thân răng, mặt trong của răng hàm và tiền hàm . Kích thước của nó giống với thanh ngót răng. Thanh thân răng giữ vai trò chống lại sự di chuyển của hàm giả theo mặt phẳng ngang đồng thời tạo nên đối lực cho một số loại móc.
5. Tựa mặt nhai:
Là phần kim loại đúc tựa lên mặt nhai của răng.Hình thể của nó phụ thuộc vào chiều dày men răng. Ở răng hàm và tiền hàm tựa mặt nhai nằm ở đáy dìa (fossette marginale) gần hoặc xa. Nhìn từ mặt nhai nó có dạng hình tam giác với đỉnh tròn, bề mặt tái tạo theo hình thể của bề mặt răng với các rãnh phụ, mặt trong áp lên răng có hình thìa và được làm nhẵn .
Góc giữa tựa mặt nhai và thân móc phải < 900 để nó có thể bám chặt vào mặt răng và lực nhai truyền theo theo trục của răng .
Ngoài vị trí thông thường như trên thì tựa mặt nhai có thể có vài biến thể tùy theo liên quan của nó với răng đối. Đôi khi nó được đặt về phía lưỡi, đôi khi nó có dạng của một onlay tham gia tạo chiều cao khớp cắn.
Tựa mặt nhai thường được đặt ở răng hàm và tiền hàm, ít đặt ở răng nanh và răng cửa. Tuy nhiên nếu răng nanh có cingulum lớn, thì đó sẽ là một vùng tựa lý tưởng vì không bị nhìn thấy và hàm giả khó bị xoay. Tựa mặt nhai có dạng dấu mũ (^), và thường được đặt ở bờ cắn (do mặt lưỡi cong lõm) ở góc gần hoặc xa, phía đối diện vùng mất răng .
Trong mọi trường hợp phải phân tích liên quan với răng đối để tránh tạo ra cản trở nhai.
Tựa mặt nhai có 4 chức năng chính:
– Truyền một phần hay toàn bộ lực nhai lên răng trụ.
– Truyền những lực này theo một trục gần nhất với trục răng.
– Ngăn không để hàm giả lún xuống, duy trì liên quan cắn với răng đối.
– Đảm bảo mối liên quan lâu dài giữa răng giả và răng nâng đỡ.
Một vài tác giả phân biệt tựa trực tiếp, nằm về phía gần khoảng mất răng. Và tựa gián tiếp nằm về phía xa khoảng mất răng .
6. Thanh nối:
Là những thanh kim loại nối khung với những thành phần khác của phục hình . Nó có nhiệm vụ truyền lực nhai lên răng trụ và tăng độ chắc của toàn bộ khung. Thanh nối phải thỏa mãn 3 yêu cầu:
– Cứng: Tiết diện cắt ngang phải luôn từ 1,5- 2 mm.
– không làm tổn thương mô mềm: Phải tránh tiếp xúc với lợi, cách lợi tối thiểu 0,2 mm.
– Dễ chịu cho bệnh nhân:
+ Thanh nối thường không gây khó chịu nếu nó được đặt ở mặt bên của răng trụ về phía khoảng mất răng, hoặc ở góc xa lưỡi của răng hàm.
+ Ngược lại nếu nó nằm về phía có răng, thì thường gây khó chịu cho lưỡi, vì vậy nó thường được đặt ở kẽ giữa hai răng và tiết diện cắt của nó có hình tam giác. Tuy nhiên nếu ta mài chỉnh nhẹ bề mặt thân răng thì sẽ giúp cho việc đặt móc dễ dàng hơn.
7. Phương tiện liên kết:
Phục hình liên kết với răng nhờ vào:
– Móc.
– Mối nối chính xác.
Sẽ có một bài riêng.
Hà nội, ngày 15 tháng 05 năm 1999
TS.Phạm Như Hải