Điều chỉnh nền và vành cắn hàm dưới

hàm giả tháo lắp

Mục tiêu của việc điều chỉnh nền và vành cắn hàm dưới là ghi kích thước dọc khớp cắn của bệnh nhân (chiều dọc) và tương quan tâm (chiều trước- sau).

1. Kích thước dọc khớp cắn

Kích thước dọc là một khái niệm rất quan trọng, bởi vì khi ghi khớp cắn, kích thước dọc và tương quan tâm liên quan chặt chẽ với nhau. Kích thước dọc là chiều cao của tầng dưới mặt đo từ một điểm ở hàm trên và một điểm ở hàm dưới, được đánh dấu trên da của bệnh nhân nhờ bút chì vẽ da (@15). Nhưng trong thực tế, có nhiều kích thước dọc, trong số đó, có hai kích thước dọc cần đặc biệt chú ý: kích thước dọc nghỉ và kích thước dọc cắn khớp.

Kích thước dọc nghỉ (KTDN) tương ứng với chiều cao của tầng dưới mặt khi hàm dưới  vị trí thăng bằng trương lực của phức hợp cơ sọ-mặt.

Kích thước dọc khớp cắn (KTDKC) là chiều cao của tầng dưới mặt khi các răng ăn khớp với nhau.

Giữa hai vị trí tham khảo này – vốn tương ứng với những vị trí riêng biệt của hàm dưới có một khoảng trống giữa các cung răng gọi là khoảng hở tự do không cắn khớp (KHTDKCK). Đó là một khoảng hở không cố định, rất khó xác định và thay đổi tùy theo phân loại xương theo Angle như sau:

           loại I, dao động giữa 2-3 mm,

           loại II chi 1, vào khoảng 3-4  mm,

           loại II chi 2, thay đổi từ 6 – 8 mm,

          ở loại III, vào khoảng 1-2 mm.

Tuy nhiên, không có một KHTDKCK duy nhất để diễn đạt đúng, bởi vì sự phát âm bình thường của mỗi âm vị liên quan đến một khoảng hở phát âm không thay đổi phù hợp với nó. Theo Silvermann KTDN là một giá trị rất thay đổi, nên không thể là một phương tiện đáng tin cậy để xác định KTDKC ở người mất răng. Do đó ông đề nghị một phương pháp phát âm để xác định KTDKC, theo phương pháp này, sự phát âm âm vị “S” tương ứng với khoảng hở phát âm tối thiểu. Khi phát âm âm “S” lưỡi có vị trí cao nhất có thể có trong khi nói, kéo thân xương hàm dưới theo đến vị trí này.

Quan sát kỹ, nhận thấy lúc ấy hàm dưới ở vị trí ra trước, trong đó các răng cửa dưới có vị trí gần như thẳng đứng với răng cửa trên, với khoảng hở ít giữa các bờ cắn. Khoảng hở nàyở trong   phạm  vi một hình vuông có cạnh 1 mm. Các răng dưới  phía lưỡi so với các răng trên và như vậy khi nhìn từ phía trước, thực tế không thấy khoảng hở nào (hình 45).

Hình 45. Tương quan giữa các bờ cắn răng cửa khi phát âm “S”.

Có thể tìm kích thước dọc với bản nền hàm trên trong miệng. Tư thế có được sự thăng bằng các cơ sọ-cổ-hàm là yếu tố chủ yếu trong việc đánh giá kích thước dọc. Do đó, đầu tiên cần thiết ở giai đoạn này là tạo sự thoải mái cho bệnh nhân ở vị trí thẳng đứng trong ghế nha khoa. Nếu bệnh nhân lo sợ, phật ý, giận hay căng thẳng vì một lý do nào đó, sẽ có sự căng thẳng thần kinh gây nên sự co cơ nâng hàm. Như vậy việc thử xác định kích thước dọc khớp cắn sẽ thất bại . Yêu cầu bệnh nhân thư giãn và môi chạm nhau đồng thời giữ cho hệ thống nâng hàm thư giãn, như vậy bệnh nhân ở KTDN. Kích thước dọc nghỉ là một biến số trung gian cho phép đạt tới kích thước dọc khớp cắn. Với một bước trượt hay một com pa mũi cùn, đo KTDN với hai điểm mốc là điểm mũi và điểm cằm (dùng bút chì vẽ da đánh dấu lên da).

Ghi chú

Các com pa có thể có ba dạng:

         Com pa xanh thường đi kèm với bộ khay lấy dấu của Schreinmakers(hình 46) chỉ dùng để chọn khay, tuyệt đối không được dùng để đo kích thước dọc (vì hình dạng không thích hợp, thiếu chính xác, không thể khóa cố định hai nhánh của compa) 

Hình 46. Compa của bộ khay Schreinemakers

         Com pa “cổ điển” của thợ vẽ, không phù hợp để đo kích thước dọc (hình 47), vì vậy không nên sử dụng (vì đầu nhọn, thiếu ốc xiết cố định hai nhánh của compa), 

Hình 47. Compa của thợ vẽ

         Com pa đầu cùn của thợ khắc (hình 48) không hẳn là một dụng cụ chuyên biệt cho thực hành nha khoa nhưng có tất cả những tính chất cần thiết để đo kích thước dọc khớp cắn (mũi nhỏ nhưng không nhọn, ốc xiết cố định chính xác hai nhánh của compa).

 

Hình 48. Compa của thợ khắc

Đo ở mũi và cằm nhiều lần để đảm bảo sự ổn định

Ghi chú

Có nhiều cách đánh dấu ở da, không có cách nào hoàn toàn thích hợp

         Đánh dấu trực tiếp lên da bằng nút chì tím thì đơn giản và nhanh, nhưng bất tiện là nhanh bị phai. Đánh dấu một chấm, hình chữ thập hay đường gạch. Đánh dấu bằng bút chì tím đã thấm ướt, cần làm khô vết vẽ để nó lâu phai (tất nhiên là phải lau dấu vẽ trước khi cho bệnh nhân về).

         Đánh dấu nhờ băng keo vải, mất thời giờ hơn nhưng có ưu điểm là không phai và có thể tháo bỏ nhanh trước khi bệnh nhân về. Tuy nhiên, có thể tróc ra trong lúc đo lúc đo kích thước dọc.

Trung bình ở loại I Angle, kích thước dọc khớp cắn có được bằng cách lấy kích thước dọc nghỉ trừ đi 2mm. Trước đó, cần hỏi xem bệnh nhân thở miệng hay mũi; thực vậy những người thở miệng có khuynh hướng tăng kích thước dọc nghỉ.

Đối với nền tạm-vành cắn hàm dưới, hướng và thể tích của vành cắn có vai trò quan trọng. Lưỡi phải không bị cản trở trong chiều ngang cũng như chiều trước sau. Phải kiểm soát và điều chỉnh hướng và thể tích của vành cắn trong miệng trước khi đo. Điều chỉnh vành cắn của bản nền hàm dưới theo vành cắn của bản nền hàm trên cho tới khi đạt được KTDKC như ý muôn. KTDKC được xem là phù hợp khi thấy có khoảng hở tự do không cắn khớp qua:

          Thử nghiệm phát âm (phát âm từ có âm “x” chẳng hạn như “xít” “xin”.

          Thử nghiệm nuốt.

Trong hai thử nghiệm này, các vành cắn chạm nhau, tiếp theo ở vị trí nghỉ thấy được khoảng hở tự do không cắn khớp. Nếu không thấy được khoảng hở này nghĩa là KTDKC cao.

Ở giai đoạn này đã có được thành phần dọc của tương quan hai hàm…, chỉ còn ghi thành phần ngang là tương quan tâm.

2. Tương quan tâm

Trong mặt phẳng nằm ngang  một KTDKC đã xác định, do tính di động,  hàm dưới có nhiều khả năng ăn khớp, ở người mất răng toàn bộ, do không còn khớp răng nữa nên phải nghĩ đến tham chiếu xương, đó là tương quan tâm (TQT). Thật vậy tương quan tâm là vị trí tham chiếu hàm-sọ, có thể lập lại được, không phụ thuộc vào sự tiếp xúc răng. Thường, tự bệnh nhan một mình không thể tìm được tương quan tâm, đó là vị trí tương đối của các xương hàm khi hàm dưới được hướng dẫn vào. Thật sự TQT được định nghĩa là tình trạng sắp xếp của lồi cầu-đĩa khớp-xương thái dương ở hai bên cùng một lúc,  vị trí cao, có thể ghi được từ một vận động xoay. Đạt được tương quan tâm bằng cách hướng dẫn chứ không đẩy hàm. Tương quan tâm lập đi lập lại được với sự chính xác, trong một thời gian và với một tư thế nào đó.


Kích thước dọc khớp cắn được xác định, cần di chuyển nhẹ hàm dưới về phía sau để đạt được tương quan khớp cắn  tương quan tâm. Để thao tác này được chính xác, mặt nhai của vành cắn hàm trên và hàm dưới phải hoàn toàn phẳng. Hướng dẫn bệnh nhân về TQT nghĩa là lồi cầu  ngay ngắn và được giữ trong hõm khớp. Từ vị trí này, bảo bệnh nhân làm những vận động há ngậm xoay đơn thuần với biên độ nhỏ (vận động bản l sau cùng). Khắc những điểm mốc lên vành cắn (hình 49), trong vùng trước hàm dưới tại điểm giữa hai răng cửa và  phía bên sau vùng răng nanh trong lúc bệnh nhân giữ khớp cắn ở tương quan tâm. Xem như đạt được khớp cắn ở tương quan tâm khi điểm chuẩn phía trước không xê dịch qua bên phải hay bên trái nữa và các điểm chuẩn phía bên không chênh nhau. Để ghi khớp cắn ở tương quan tâm (KC ở TQT), khắc những rãnh hình V phân kỳ nhau ở mặt nhai của vành cắn hàm trên, phía sau đường vẽ tại răng nanh. Kế đó thoa vaseline để cách ly lên khấc này. Tại vành cắn hàm dưới đối diện với những khấc, lấy đi một bề dầy 1 mm. Đặt sáp nhôm (@13) lên vị trí này với độ dầy đủ để đi vào các khuyết. Cho nền và vành cắn hàm dưới vào miệng và bệnh nhân ngậm các vành cắn khi hàm lùi không đẩy. Một khóa ăn khớp đã hình thành, giúp có thể thử lại sự chính xác của lộ trình đóng hàm bao nhiêu lần tùy ý (hình 49).

 

Hình 49. Kết nối nền và vành cằn hàm trên và dưới

nhờ những khấc hình V và sáp đặt ở giữa.

Các khấc được tạo ở vành cắn hàm trên để mặt phẳng nhai

không bị thay đổi và dễ chuyển vô giá khớp.

Tương quan hai hàm đã được ghi, có thể vô giá khớp và chọn hình thể và màu răng.

Tin cùng chuyên mục