Vô giá khớp các mẫu hàm

Ở người mất răng toàn bộ, hướng dẫn phía trước không còn nữa do không có các yếu tố quyết định phía trước, chuẩn duy nhất có sẩn là những yếu tố quyết định phía sau. Mặc khác, khái niệm khớp cắn-phục hình sử dụng là khái niệm khớp cắn thăng bằng, là khớp cắn khó thực hiện nhất, trong phục hình toàn hàm chỉ có thể dùng một dụng cụ lập lại động học hàm dưới của bệnh nhân, đó là giá khớp. Như vậy giá khớp sinh lý là một mắt xích quan trọng của việc điều trị phục hình.
Giá khớp là dụng cụ cho phép tái lập một cách cơ học động học hàm dưới của bệnh nhân với ít nhiều chính xác tùy lập trình. Gồm hai càng: càng trên và càng dưới (hình 53). Càng trên tượng trưng cho phần giữa mặt, càng dưới tượng trưng cho phần dưới mặt. Do hình dạng này, giá khớp được coi là có tính chất giải phẫu học. Giá khớp được phác họa theo mặt phẳng chuẩn: mặt phẳng trục-hốc mắt. Mặt phẳng này đi ngang qua hai điểm trục bản lề và đi ngang qua một trong hai điểm dưới ổ mắt. Càng trên của giá khớp đi theo cấu hình của mặt phẳng này. Giá khớp sinh viên thường dùng nhất là QUICK 40/15 hay QUICK MASTER (@17) có độ nghiêng lồi cầu được chỉnh ở 40° so với mặt phẳng Francfort và góc Bennett được chỉnh ở 15°. Những đặc điểm khác của giá khớp này và những điều chỉnh đơn giản của chứng phù hợp cho nhu cầu điều trị phục hình toàn hàm. Nếu muốn sử dụng giá trị thật của độ nghiêng quỹ đạo lồi cầu của bệnh nhân có thể dùng bộ ghi trục QUICK AXIS (@17).
1. Chuyển mẫu hàm trên lên giá khớp
Có thể chuyển mẫu hàm lên giá khớp nhờ một cung chuyển gắn vào tai hay nhờ một bàn chuyển.
Cung mặt
Để tôn trọng quan niệm về giải phẫu của giá khớp, mỗi mẫu hàm cần được lên tương ứng với cùng một mặt phẳng có thể chồng lên nhau được giữa giá khớp và bệnh nhân. Mặt phẳng chuẩn trong không gian trục-hốc mắt này được xác định bởi ba điểm: hai điểm ngoài da cận lồi cầu của trục bản lề hàm dưới và một điểm dưới ổ mắt, được đánh dấu tại chỗ lõm nhất của hốc mắt. Để có sự hài hòa giữa hai mặt phẳng này và để chuyển mẫu hàm thạch cao lên càng trên của giá khớp trong cùng vị trí không gian giông như hàm trên so với sọ, dùng cung chuyển. Cung này có thể liên quan đến trục bản lề được định vị hay trục bản lề tự ý .
Weinberg nêu ra một lỗi lầm khi định vị trục bản lề tạo nên một lỗi không đáng kể là 0,05 mm trên giá khớp, tùy theo bề dầy của lớp sáp ghi tưưng quan tâm và khoảng cách của các răng liên quan (múi xa của răng cối thứ nhì hàm dưới). Lỗi này càng nhỏ khi răng càng ở về phía trước. Thật vậy, khoảng cách của răng so với trục bản lề càng lớn thì lỗi càng giảm. Tính toán của Weinberg giải thích tại sao có thể sử dụng giá khớp với các mẫu hàm được lên theo một trục bản lề tự ý.
Bản nền hàm trên với vành cắn đã được bôi vaseline, được cố định vào nĩa cắn của cung mặt tại ba điểm, một điểm phía trước và hai điểm phía sau, bằng hợp chất nhiệt dẻo được hơ nóng trước (Kerr đỏ; @14) (hình 50).
Hình 50. Cố định nền và vành cắn hàm trên vào nĩa cắn của cung mặt
Trong những giai đoạn tiếp theo, phải tách được nền và cắn ra khỏi nĩa cắn mà vành cắn không bị hư hay biến dạng. Toàn bộ nền, vành cắn và nĩa cắn được đặt vào miệng và giữ sát vào bề mặt tựa bằng các ngón cái của bệnh nhân để tránh di động (hình 51).
|
Hình 51. Bệnh nhân giữ nĩa cắn |
Đặt cung mặt trên mặt bệnh nhân (hình 52). Các nút tai được đặt trong lỗ ống tai ngoài: – Xiết hai nút khóa và mở cung mặt – Đặt cái tựa mũi vào phần lõm nhất của sống mũi và khóa lại. |
Hình 52. Đặt cung mặt |
Báo trước với bệnh nhân là sẽ đau và thời gian cần thiết để làm. Mỗi bệnh nhân cảm nhận đau một cách khác nhau, đau sẽ ngắn nếu ít cần điều chỉnh cung mặt. Nếu đã quen dùng cung mặt, thời gian thao tác không quá một phút. Ngoài ra, bệnh nhân thường hay lo lắng do các phụ tùng phức tạp, nếu cần, phải giải thích để trấn an bệnh nhân. Xiết chặt ốc cố định nĩa cắn vào cung mặt. Tay của cung mặt đi ngang qua điểm dưới ổ mắt của bệnh nhân và như vậy tương ứng với mặt phẳng Francfort. Vị trí của hàm trên được ghi, lấy cung mặt ra và vô giá khớp.
Cung mặt được gắn vào giá khớp nhờ các nút tai. Nĩa cắn được nâng đỡ bởi một cây nâng kéo lên xuống được. Cây nâng này được cố định trên càng dưới giá khớp (hình 53).
Hình 53. Nối mẫu hàm trên vào giá khớp qua trung gian cung mặt.
Cây nâng này không phải lúc nào cũng có hiệu quả tốt, có thể được thay thế bằng một khôi nhựa trên đó để một ít thạch cao vừa trộn. Đặt cả khối bên dưới nĩa cắn cho đến khi thạch cao đông (@5). Đó là phương tiện chêm nĩa cắn rất tốt, đáp ứng mọi trường hợp có thể gặp phải . Rút cây răng cửa lên cao và khóa lại. Đặt mẫu hàm trên lên nĩa cắn, dùng thạch cao để nối mẫu hàm với càng trên của giá khớp, qua trung gian một đế đôi ăn khớp. Nhờ đế này, có thể thường xuyên tháo mẫu hàm trên ra dễ dàng và nhanh chóng. Khi nối mẫu hàm với đế vô giá khớp, càng trên của giá khớp phải chạm với thanh ngang của cung mặt để tôn trọng quan niệm giải phẫu học của giá khớp.
Bàn chuyển
Bàn chuyển cho phép vô giá khớp hàm trên theo những giá trị trung bình. Bàn chuyển song song với mặt phẳng Camper. Bàn chuyển có độ nghiêng 10ᵒ so với các càng của giá khớp. Độ nghiêng này tương ứng với giá trị trung bình của góc giữa mặt phẳng Camper và mặt phẳng Francfort (hình 54).
Hình 54. Vô giá khớp mẫu hàm trên qua trung gian bàn chuyển
Cách chuyển này kém chính xác hơn cách chuyển nhờ cung mặt. Đặt mẫu hàm trên ngan giữa trên những điểm mốc của bàn, rồi cố định bằng sáp dán tại vài điểm trước khi nối với càng trên của giá khớp.
Hình 55. Lên giá khớp mẫu hàm dưới
2. Chuyển mẫu hàm dưới vào giá khớp
Lật ngược giá khớp lại ở một vị trí vững vàng và ráp mẫu hàm dưới cùng đế tách của nó (split-cast) lên mẫu hàm trên nhờ vào khóa ăn khớp. Cho thạch cao vào đế của mẫu hàm dưới đồng thời dùng bàn tay giữ chặt đế. Đậy giá khớp lại cho bàn răng cửa chạm với cây răng cửa (hình 55).
Khi thạch cao cứng, lật giá khớp trở lại, giai đoạn vô giá khớp đã hoàn tất.