Tai biến do RKHD mọc lệch ngầm

        Tai biến do RKHD mọc lệch ngầm thường gặp trong thời kỳ mọc RKHD sinh lý, tức là khoảng 18-25 tuổi. Tai biến xảy ra khi răng khôn mở thông vào khoang miệng hay răng 8 mọc ngầm. Tai biến thường gặp nhất là nhiễm trùng, tai biến cơ học, u và phản xạ cảm giác [13,19,22,24,58, 62,65,67,69].

1.5.1. Tai biến nhiễm trùng:

        Do răng khôn mở thông vào khoang miệng, trực tiếp qua niêm mạc miệng hoặc gián tiếp qua chân răng, xương ổ răng rồi qua túi lợi của răng 7. Thức ăn, mủ tập trung ở trong khoang ảo giữa túi quanh thân răng và răng gây nhiễm trùng, lúc đầu ở trong khoang kín dưới lợi sau đó lan rộng. Tuy nhiên nếu lợi dính bám chặt vào bề mặt men thân răng thì không còn có khoang ảo này nữa. Điều này giải thích có nhiều người không bị tai biến nhiễm trùng khi mọc răng khôn [57].

 

 

 

                             Hình 1.6: Điều kiện để viêm quanh thân răng

A: Khoang ảo quanh thân răng mở thông vào miệng sẽ dẫn đến viêm quanh thân răng thứ phát, B: Lợi dính dính chặt vào men răng thì không có viêm quanh thân răng, C: Nang mọc răng vẫn tồn tại và bị nhiễm trùng mở vào ổ miệng gây viêm quanh thân răng.

1.5.1.1.Viêm quanh thân răng cấp xung huyết:

        Đây là một dạng viêm quanh thân răng sinh lý xảy ra khi mọc răng khôn. Niêm mạc phù nề, đỏ phủ lấy một phần thân răng 8, có dấu răng đối. Đau vùng hậu hàm, nhai đau, ấn đau và có thể làm chảy ra một ít dịch đục hay máu. Sờ vùng góc hàm thấy hạch nhỏ và đau.

        Tiến triển: lành tự phát hay do điều trị sau một vài tuần, dễ tái phát và chuyển thành dạng viêm mủ

1.5.1.2. Viêm quanh thân răng cấp mủ:

        Đau nhiều hơn lan về phía thực quản, amydal, tai hay máng cảnh. Đau làm mất ngủ. Nhai đau, khó nuốt, khó há miệng nhẹ do nhiễm trùng đã lan ra sau. Niêm mạc và trụ trước amydal đỏ, ấn đau và làm chảy ra một ít dịch mủ. Viêm hạch góc hàm, đau nhưng không có viêm quanh hạch. Chưa có dấu hiệu toàn thân.

        Tiến triển: Khó khỏi hẳn ngay cả khi đã loại bỏ túi lợi trùm và thân răng mọc hoàn toàn ra khỏi lợi, hoặc ngay cả khi đã nhổ bỏ răng, mà thường chuyển thành dạng mạn tính với những đợt tái phát và các biến chứng nhiễm trùng nặng nề hơn như: viêm mô tế bào, viêm hạch, viêm xương.

1.5.1.3.Viêm quanh thân răng mạn tính:

        Đây là một dạng viêm mủ liên tục, dai dẳng phía sau răng 7. Đau giảm xuống, có thể ít lan tỏa hơn. Viêm lợi dai dẳng, Hơi thở hôi, rối loạn tiêu hóa do nuốt mủ, thậm chí viêm họng theo chiều hướng viêm tấy. Viêm hạch dưới hàm mạn tính, không đau. Xquang có thể xác định được tư thế của răng 8 và các biến chứng có thể xảy ra.

1.5.2. Tai biến niêm mạc:

        – Viêm miệng do răng.

        – Các dạng khác như:

                + Loét bờ mảnh, đáy vàng, dễ chảy máu ở tam giác hậu hàm, đôi khi gây đau nhiều.

                + Loét sùi, âm ỉ, ít đau.

                + Viêm lợi vùng răng trước.

                + Viêm họng, thanh quản.

1.5.3. Tai biến tế bào:                     C                                                 BH

1.5.3.1. Viêm mô tế bào cấp:                                                         A

        Nhiễm trùng có thể giới hạn hoặc lan tỏa theo các hướng khác nhau tới các khoang tế bào lân cận. Lúc đầu là viêm mô tế bào cấp thanh dịch sau tiến tới viêm mủ (Hình 1.7).  

SM

M

 

 

Hình 1.7: các hướng lan của nhiễm trùng

        – Lan tới phía trước ngoài gây abcès vùng cơ mút (Hình 1.7 M).

        – Lan tới phía sau ngoài gây viêm tấy vùng cơ cắn (Hình 1.7 C).

        – Lan tới phía trên ngoài  gây viêm mô tế bào vùng thái dương.

        – Lan về phía dưới vào trong, gây abcès hay viêm mô tế bào sàn miệng trên cơ hàm móng và dưới cơ hàm móng (Hình 1.7 SM).

        – Lan về phía trên vào trong có thể gây:

                + viêm tấy quanh amydal hay trên amydal (Hình 1.7 A).

                + Viêm mô tế bào vùng bướm hàm (Hình 1.7 BH).

        – Viêm mô tế bào hoại thư: nặng nề.

1.5.3.2. Viêm mô tế bào mãn:

        Thường thấy một cục cứng ở vùng nền hàm hay dưới cằm, không đau, chắc, có một thừng sợi nối nó với xương vùng răng nguyên nhân.

 1.5.4. Tai biến hạch:

        Toàn bộ bạch huyết vùng hàm và hậu hàm đổ về hạch dưới góc hàm, ít khi đổ vào hạch dưới hàm.

        – Viêm hạch xung huyết bán cấp hay mãn.

        – Viêm hạch mủ.

        – Viêm tấy hạch.

1.5.5. Tai biến xương:

        Do viêm mủ quanh thân răng dẫn lưu không tốt, do mủ đọng lại trong túi quanh thân răng hay do nhiễm trùng  lan theo chân răng khôn.

        – Viêm xương đặc cấp mủ.

        – Viêm xương xốp giới hạn.

        – Viêm xương quá sản hay dày màng xương.

        – Viêm xương màng xương.

1.5.6. Tai biến mạch máu:

        Viêm tắc tĩnh mạch sọ mặt ở nông (mặt-mắt) hay sâu hơn (vùng chân bướm) do viêm mủ mãn tính kết hợp với tắc tĩnh mạch nhiễm trùng.

1.5.7. Tai biến nhiễm trùng ở xa:

        Viêm nội tâm mạc, viêm màng bồ đào, viêm cầu bể thận…

1.5.8. Tai biến cơ học:

        RKHD mọc lệch ngầm có thể ảnh hưởng tới răng bên cạnh, niêm mạc và xương xung quanh:

        – Sâu cổ răng 7: răng khôn kẹt vào cổ răng 7 gây sâu cổ răng 7 [21].

        – Tiêu răng 7: răng khôn ép vào răng 7 liên tục gây ra quá trình viêm làm tiêu một phần răng 7.

        – Rối loạn khớp cắn: do răng khôn ép vào răng 7, đẩy lệch răng 7 ảnh hưởng vào các răng khác gây rối loạn khớp cắn.

        – Loét niêm mạc má hay lưỡi do răng khôn lệch.

        – Tiêu xương ổ răng khu trú ở mặt xa răng 7 và làm lộ chân răng 7.

        – Gãy góc xương hàm dưới: khi răng ngầm sâu làm cho góc hàm dễ gãy.

1.5.9. Tai biến u:

        Nhiễm trùng mãn tính túi quanh thân răng có thể tạo ra những tổn thương giả u như:

        – U hạt thành mảng dưới dạng túi quanh thân răng dày và rộng.

        – Nang bờ trước và sau.

        – Nang bên răng, thân răng hay gốc răng: do sự phát triển về phía bên của túi quanh thân răng.

        – Nang thân răng.

1.5.10. Tai biến về phản xạ, cảm giác:

        Phân phối thần kinh nhiều và chằng chịt ở mặt làm cho nó dễ gặp các dạng đau mặt:

        – Đau khu trú ở dây thần kinh răng dưới.

        – Đau khu trú ở một hay hai nhánh của dây thần kinh hàm trên.

        – Đau thần kinh giao cảm: hội chứng Sluder: đau ổ mắt một bên, phù quanh ổ mắt, đỏ.

        – Giảm cảm giác của dây thần kinh răng dưới: môi, da và niêm mạc.

        – Giảm cảm giác tủy của các răng nửa cung hàm.

        Vì các biến chứng do RKHD mọc lệch ngầm hay xảy ra, nên nhiều tác giả đã đề nghị nhổ RKHD dự phòng cho những bệnh nhân có RKHD mọc lệch ngầm. Tốt nhất là nhổ khi RKHD chỉ còn phủ 1 lớp xương mỏng và chân răng đã phát triển được từ 1/3 đến 2/3, tức là khoảng độ tuổi 18-20 [36,73]. Nhổ răng sớm có những ưu điểm sau:

        – Khoảng quanh thân răng rộng.

        – Chân răng chưa phát triển hoàn toàn, thường thẳng.

        – Răng thường còn cách xa ống răng dưới.

        – Chưa có tai biến nhiễm trùng từ trước.

        – Tình trạng sức khỏe tốt.

        Nếu nhổ răng ở lứa tuổi muộn hơn thì:

        – Chân răng đã phát triển hoàn toàn.

        – Răng to.

        – Chân răng thường cong.

        – Răng đã canxi hóa, cứng hơn.

        – Chân răng thường nằm sát với ống răng dưới.

        – Đã có những đợt nhiễm trùng từ trước.

        – Tình trạng sức khỏe kém.