Nguyên nhân gây răng khôn dưới mọc lệch ngầm
1.2.1. Nguyên nhân tại chỗ:
Răng chỉ mọc lệch ngầm khi có rối loạn quá trình mọc răng, có nhiều yếu tố liên quan đến quá trình mọc răng như: mầm răng, xương ổ răng, niêm mạc lợi, sự phát triển sọ mặt [46,59,72].
1.2.1.1. Mầm răng không có đủ các yếu tố để mọc:
Khi sự phát triển của túi răng và quá trình khoáng hóa đầy đủ, thì sự phát triển tủy răng làm nở rộng buồng tủy và tăng tưới máu buồng tủy, hai yếu tố này đẩy thân răng mọc lên [54]. Vì vậy răng mọc lệch ngầm thường có [49]:
– Tủy thiểu sản.
– Không có cement tế bào với cấu trúc sợi.
– Không có dây chằng Sharpey.
– Tổ chức quanh răng thiểu sản.
Răng mọc lệch ngầm khi những điều kiện để túi răng phát triển bị ảnh hưởng:
– Răng có hình thái bất thường: Bất thường thân hay chân răng mà nguyên nhân thường là do chấn thương sớm trước đó [66].
– Răng nằm ở vị trí bất thường do:
+ Nhổ răng sữa sớm.
+ Các răng kế bên nghiêng.
+ Mất tương quan về vị trí giữa mầm răng vĩnh viễn và mầm răng sữa trong quá trình mọc răng sữa.
– Quá trình mọc răng bị rối loạn do sự có mặt và phát triển của một khối u hay giả u [45] như:
+ U răng.
+ Răng thừa.
+ Nang quanh thân răng.
Những vật cản dù là tự nhiên này sẽ tạo ra một lực cản, cản trở quá trình nở rộng buồng tủy, dẫn đến tình trạng vi xung huyết và thoát huyết thanh, hậu quả là tạo ra những vùng hoại tử nhỏ. Vai trò của sự nở rộng buồng tủy trong quá trình mọc răng bị mất đi, khả năng mọc răng bị giảm hay mất hoàn toàn.
1.2.1.2.Xương ổ răng:
Sự phát triển của xương ổ răng theo chiều đứng kết hợp với sự khả năng sinh xương của tổ chức quanh răng là một yếu làm răng mọc lệch ngầm [54]. Sự phát triển của thành xương ổ răng là một quá trình liên tục dù cho sự mọc răng có gặp trở ngại hay không. Sự phát triển của đáy túi răng làm tiêu xương ổ răng xung quanh, trong khi chỉ có vùng chóp răng là vị trí sinh xương, nếu thân răng không thể vượt qua được các chướng ngại như: niêm mạc, xương, răng; thì quá trình đóng chóp sẽ bị cản trở, ngăn cản sự mọc răng.
1.2.1.3. Lợi:
Lợi là rào cản cuối cùng đối với quá trình mọc răng, dây nang răng hướng dẫn cho răng chọc thủng và xuyên qua lợi một cách dễ dàng. Lớp lợi này phát triển mạnh như ở vùng có phanh môi má co kéo, vùng hậu hàm, vùng chịu sức nhai lớn, hoặc vùng bị viêm đi viêm lại nhiều lần. ở những vùng này, lợi dày hơn, nhiều thớ sợi hơn, đôi khi bị sừng hóa. Đó sẽ là lớp rào cản chắc chắn, cản trở sự mọc lên của răng.
1.2.1.4. Sự phát triển sọ mặt:
Kém phát triển phía sau dẫn đến thiếu chỗ là nguyên nhân chính làm RKHD mọc lệch ngầm, theo Ricketts [46] thì người ta có thể xác định chẩn đoán RKHD mọc lệch ngầm với độ chính xác 95% bằng phim đo sọ mặt (cephalometric film) ở ngay lứa tuổi 9 -11 thậm chí sớm hơn [46,48].
Cành lên và chỏm khớp (articular process) phát triển theo hướng lên và chủ yếu là ở bờ sau (Hình 1.4), còn bờ trước thay đổi rất ít, nếu như khoảng cách từ trung tâm cành lên đến mặt xa của răng 7 là 30 mm thì tiên lượng RKHD mọc bình thường, nếu dưới 25 mm thì tiên lượng mọc lệch ngầm (Hình1.5 ).
18 tuổi
5 tuổi
Hình 1.4: Hướng phát triển của xương hàm dưới
Hình 1.5: Tiên lượng mọc RKHD
Thiếu chỗ liên quan đến quá trình tiến hóa của loài người. Do sử dụng thức ăn mềm, chế biến sẵn nên hoạt động nhai ngày càng giảm, vì vậy xương hàm có xu hướng giảm kích thước, làm cho RKHD mọc sau cùng bị thiếu chỗ [27].
1.2.2.Nguyên nhân toàn thân:
Trước khi sinh: do di truyền về kích thước xương hàm.
Sau khi sinh: do còi xương, rối loạn Hormon, thiếu máu, lao, giang mai truyền từ mẹ sang.
Bệnh bẩm sinh, rối loạn xương sọ đòn, bệnh loạn sản xương sọ, đầu nhọn, người già trước tuổi, bệnh loạn sản sụn, khe hở vòm miệng.