Loạn năng khớp thái dương hàm
Loạn năng thái dương hàm (LNTDH) vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay trên thế giới. Có quá nhiều trường phái, hầu như mỗi tác giả đều đưa ra quan niệm của riêng mình. Điều này làm cho LNTDH vốn là một bệnh lý tương đối trừu tượng trở nên càng khó hiểu. Bên cạnh đó, một số tác giả đã vô tình phức tạp hóa vấn đề do qui kết về loạn năng thái dương hàm quá nhiều bệnh lý không liên quan.
Từ khi Costen (1934) tìm ra mối liên quan giữa những rối loạn nhai (đau tai, đau xoang và chẩm) với rối loạn khớp cắn răng (mất kích thước dọc với lồi cầu ngả ra sau) thì đã có nhiều nghiên cứu đi sâu vào khớp cắn và loạn năng thái dương hàm (LNTDH).
1956 Schwartz đã miêu tả “hội chứng đau rối loạn khớp thái dương hàm” và sự liên quan của nó với những rối loạn tâm thần.
1961 Laskin miêu tả “hội chứng đau và rối loạn chức năng cân cơ” (myofascial pain dysfunction syndrome: MPD) với đau ở trước tai, đau vùng cơ cắn, tiếng kêu khớp và há miệng hạn chế mà không có tổn thương trên phim.
Thuật ngữ hội chứng đau và rối loạn thái dương hàm được Gaspard đưa ra từ 1983 và hiệp hội nghiên cứu đau thế giới (1986) khuyên dùng (temporomandibular pain and dysfunction syndrome: TMPDS; hay syndrome algo-dysfonctionnel de l’appareil manducateur: SADAM) để thay cho thuật ngữ trên.
Trong những năm cuối thể kỷ XX các kỹ thuật mới như scanner, chụp cọng hưởng từ, nội soi khớp phát triển giúp cho việc thăm dò và chẩn đoán các bệnh lý của khớp thái dương hàm, thuật ngữ loạn năng thái dương hàm cũng ra đời.
Loạn năng thái dương hàm bao hàm những rối loạn xảy ra ở khớp thái dương hàm, cơ nhai, cung răng và một số cơ quan lân cận. Nếu như so sánh với quan niệm trước kia của nhiều tác giả (Ash Ramjord) xem khớp cắn là 1 phức hợp bao gồm: răng, tổ chức nâng đỡ răng, các cơ nhai và khớp thái dương hàm thì loạn năng khớp cắn và LNTDH là một bệnh lý. Tuy nhiên không ít tác giả nhầm lẫn khi phân biệt loạn năng khớp cắn với LNTDH mà không hiểu rằng đó là 2 tên gọi cũ và mới về cùng một bệnh lý.
LNTDH cho đến nay được gọi dưới nhiều tên khác nhau: TMD: TemporoMandibular Disorders, TMJD: TemporoMandibular Joint Disorders, CMD: CranioMandibular Disorders, SADAM: Syndrome Algo-Dysfonctionnel de l’Appareil Manducateur.