Chỉnh hình răng mặt và bệnh nha chu liên quan nhau thế nào?
Chỉnh hình răng mặt dùng lực để di chuyển răng từ vị trí sai lệch đến vị trí thích hợp để khôi phục chức năng và thẩm mỹ
Các lực chỉnh nha khi điều chỉnh đúng sẽ kích thích tạo xương và mô liên kết, đồng thời làm tiêu xương theo hướng di chuyển của răng. Các lực lớn bất thường sẽ gây tiêu xương ổ răng nhiều hơn xương được tái tạo và đồng thời cũng làm tiêu ngót chân răng.
Răng sai lệch vị trí, lệch lạc
Răng sai lệch vị trí, lệch lạc hàm khó giữ vệ sinh răng miệng, gây nên bệnh nha chu. Vị trí không đều, lệch lạc của các răng có thể làm thay đổi cường độ và chiều hướng của lực nhai tác dụng lên răng và làm răng lung lay. Chiều hướng lý tưởng của lực tác dụng lên răng phải song song trục chính của răng và gần tâm xoay. Những lực nghiêng hay ngang rất tai hại vì có khuynh hướng làm xoay và tạo những vùng mà nơi đó màng nha chu bị đè ép giữa hai mặt mô cứng.
Răng bị tiêu xương nhiều
Các răng bị tiêu xương nhiều, lung lay và nghiêng ngả do bệnh nha chu cần được chỉnh lại cho ngay ngắn (đúng trục) trước khi làm nẹp cố định
Cắn sâu vùng răng cửa
Răng cửa dưới cắn đụng vào cổ răng cửa trên gây chấn thương nướu và gây tiêu xương vùng này. Do đó, không thể chỉ điều trị nha chu đơn thuần mà phải điều trị kết hợp nha chu và chỉnh hình.
Cắn chéo
Cắn chéo vùng răng cửa hay răng cối sẽ làm răng cắn chéo chịu lực lớn, như vậy sẽ gây tổn thương mô nha chu và răng bị mất sớm do lực nhai tác động không đều trên các răng.
Viêm nướu
Khí cụ chỉnh hình cố định có khuynh hướng làm tăng vết dính, mảng bám và gây viêm nướu do cản trở việc vệ sinh răng miệng. Do đó cần kiểm soát mảng bám và cạo vôi răng định kỳ cho bệnh nhân trong quá trình điều trị chỉnh hình răng mặt.
Viêm nha chu
Không điều trị chỉnh hình răng mặt nếu viêm nha chu đang tiến triển.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh nha chu viêm cần được theo dõi định kỳ để tránh tái phát bệnh nha chu trong khi điều trị chỉnh hình răng mặt.
Tụt nướu
Một lượng nướu dính đủ sẽ duy trì sự khỏe mạnh của mô nướu và cho phép khí cụ chỉnh hình tác động mà không gây mất xương hoặc tụt nướu.
Khi răng cửa di chuyển về phía môi, nướu viền di chuyển về phía chóp răng. Nếu có viềm nướu hiện diện, sự di chuyển răng có thể gây tụt nướu. Do đó, những bệnh nhân có phần nướu dính ở mặt ngoài của răng cửa quá mỏng cần phải được phép nướu trước khi điều trị chỉnh hình để tránh hiện tượng tụt nướu.
Tăng sản nướu
Tăng sản nướu có thể tự lành hoặc cần điều trị bằng cách loại bỏ mảng bám và nạo túi. Nếu mô nướu phì đại cản trở sự di chuyển răng, cần tiểu phẫu cắt nướu. Nếu mô nướu không cản trở răng di chuyển, nên đợi sau khi điều trị chỉnh hình xong sẽ tiểu phẫu tạo hình nướu lại.